Làm Sao Để Chuyển Hợp Âm Nhanh?
1. Nắm vững cách bấm từng hợp âm một
Trước khi học cách chuyển hợp âm, bạn phải học cách để bấm từng hợp âm một cách thuần thục cái đã.
- Học cách bấm các hợp âm cơ bản nhất và tập luyện thuần thục những hợp âm này.
- Ghi nhớ tư thế bấm và cách bấm. Thử đặt một lần đồng loạt các ngón tay xem có vào đúng vị trí cần bấm hay không.
- Tập bấm vào, giở ra, bấm vào, giở ra khoảng chục lần, để cho ngón tay linh hoạt hơn và ghi nhớ vị trí tốt hơn. Làm tương tự với những hợp âm khác.
2. Hãy tưởng tượng trước hợp âm tiếp theo
Có một sự thật rằng nếu bạn chờ tới khi kết thúc hợp âm này rồi mới nghĩ hợp âm tiếp theo là gì thì sẽ chẳng bao giờ bạn chuyển hợp âm nhanh được, bởi vì bàn tay bạn sẽ không theo kịp với não bộ. Chính vì thế, ngay khi đang chơi hợp âm hiện tại, hãy cố gắng hình dung hợp âm tiếp theo là gì, vị trí các ngón tay trên cần đàn. Đây chính là bí quyết giúp bạn chuyển hợp âm nhanh hơn đấy!
3. Lười cũng là một việc… tốt
Hãy cố gắng… lười nhất có thể: hạn chế việc đưa tay ra quá xa cây đàn. Có nhiều bạn khi chuyển hợp âm nhấc hẳn tay ra ngoài, điều này vừa khiến bạn mất thời gian lại vừa giảm đi độ chính xác khi chuyển hợp âm. Hãy cố gắng di chuyển ngón tay càng ít càng tốt, sẽ giúp bạn chuyển hợp âm nhanh hơn đấy.
4. Hãy để ý những ngón tay trùng nhau
Chắc chắn khi bạn tập chuyển hợp âm, bạn sẽ thấy được một điều rằng có rất nhiều hợp âm mà trên đó, có nhiều vị trí ngón tay trùng nhau. Các vị trí trùng nhau này các bạn không cần phải nhấc ngón tay lên mà hãy để nó ở yên vị trí đó.
Đơn cử như hình trên hợp âm Am và C sẽ có 2 ngón trùng nhau- ngón trỏ đặt ở ngăn 1 dây 2 và ngón giữa đặt ở ngăn 2 dây 4. Vậy thì thay vì nhấc hết 3 ngón tay ra để chuyễn hợp âm thì bạn chỉ cần giữ ngón trỏ và ngón giữa, và chỉ chuyển duy nhất ngón áp út, thì việc chuyển hợp âm sẽ diễn ra cực kỳ nhanh và nhẹ nhàng!
5. Tập luyện cùng với tay phải
Đây là một bài tập rất hay để vừa luyện lực tay, vừa giúp cho việc chuyển hợp âm nhanh. Bạn hãy vừa bấm hợp âm vừa rải xuống bằng tay phải, sau đó nhấc ngón tay ra khỏi dây đàn nhưng vẫn giữ nguyên tư thế các ngón tay. Sau đó hãy đặt ngón tay lên dây đàn lại và tiếp tục rải xuống. Cứ làm như thế ở cả những hợp âm khác nữa, thì lực tay, độ nhạy và khả năng chơi cả 2 tay cùng lúc của bạn sẽ tăng lên đáng kể.
6. Xác định lúc nào nên chuyển hợp âm
Khi bạn tập được những bài tập ở trên rồi và cũng khá tự tin về khả năng của mình rồi, thì bây giờ hãy thử áp dụng vừa quạt tay phải, vừa chuyển hợp âm tay trái nhé. Chúng ta sẽ thử áp dụng với vòng C – Am – C – Am.
C: Xuống-lên-xuống-lên-xuống-lên-xuống-lên
Am: Xuống-lên-xuống-lên-xuống-lên-xuống-lên
C: Xuống-lên-xuống-lên-xuống-lên-xuống-lên
Am: Xuống-lên-xuống-lên-xuống-lên-xuống-lên
Bạn hãy để ý: mỗi hợp âm ở trên bạn xuống 4 lần, ở những phách cuối cùng, hãy để ý tiết tấu lên cuối cùng: đây chính là lúc để bạn chuyển hợp âm. Khi đến đoạn lên cuối cùng này, hãy nhanh chóng nhấc ngón áp út khỏi hợp âm C và bỏ qua bên hợp âm Am. Và tiếp tục quạt, và ngược lại. Thời gian đầu bạn sẽ hơi gượng và có thể sẽ bị khựng lại, nhưng hãy ghi nhớ và cố gắng để việc quạt và chuyển hợp âm được diễn ra liên tục, bạn sẽ chuyển hợp âm nhanh thôi.
7. Tập luyện mỗi ngày
Đừng thấy mình chuyển được một vài hợp âm rồi lại ngủ quên trên chiến thắng bạn nhé, hãy tập chuyển tiếp các hợp âm tiếp theo như Em, Dm, F, G,… Nếu như bạn làm theo đúng phương pháp này thì chỉ cần 2 tuần là các bạn có thể chuyển hợp âm nhanh rồi đấy. Hãy chăm chỉ và thành quả sẽ được đền đáp xứng đáng thôi! Chúc bạn thành công!